Giỏ hàng

Sơn La : Xây dựng chỉ dẫn địa lý " Mộc Châu " cho chè Shan tuyết.

Huyện Mộc Châu (Sơn La) đang tập trung chỉ đạo xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” cho chè Shan tuyết và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Chè Olong Mộc Châu”. Theo đó xây dựng phương án hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, từng bước đưa thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu vươn ra thị trường nước ngoài.


Năm 2010, Chè Shan tuyết Mộc Châu được Cục Sở...

Huyện Mộc Châu (Sơn La) đang tập trung chỉ đạo xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” cho chè Shan tuyết và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Chè Olong Mộc Châu”. Theo đó xây dựng phương án hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, từng bước đưa thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu vươn ra thị trường nước ngoài.


Năm 2010, Chè Shan tuyết Mộc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết. Khu vực địa lý được bảo hộ bao gồm 7 xã của huyện Mộc Châu và 6 xã của huyện Vân Hồ. Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý, giá thu mua chè búp tươi tăng 15-20%, giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu tại thị trường trong nước cao hơn từ 1,3 - 1,5 lần so với trước.


Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đang chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè áp dụng mô hình quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè. Cùng với đó, các địa phương đã thiết lập được một số công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý, xây dựng và chuẩn hóa quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chè Shan tuyết, kiểm soát chất lượng, sử dụng nhãn mác cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trong nước.


Trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện có hơn 10 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh chè, tổng diện tích 1.822 ha, tập trung trồng tại 5 xã, thị trấn, với khoảng 600 người lao động thường xuyên trong các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho trên 3.000 hộ dân vùng nguyên liệu.


Các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trên cao nguyên Mộc Châu đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGap như: Công ty Vinatea Mộc Châu, Công ty chè Mộc Sương, Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ được cấp giấy chứng nhận VietGap, sản xuất chè an toàn với tổng diện tích 267 ha.


Theo các chuyên gia kinh tế, cây chè Shan tuyết được trồng từ nhiều năm trước trên cao nguyên Mộc Châu, hiện vẫn còn hàng nghìn cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch. Chè Shan tuyết được trồng ở độ cao từ 900 đến 1050m so với mặt nước biển, với điều kiện về nhiệt độ trung bình vào khoảng 18,5 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm lớn, đất trồng chè là loại đất đỏ vàng trên đá sét biến chất. Những yếu tố về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng đã giúp cho cây chè Shan tuyết của Mộc Châu phát triển tốt, búp chè tích lũy được hương thơm đặc trưng, hàm lượng các chất hòa tan trong búp chè cao hơn so với các loại chè Shan tuyết trồng ở nơi khác./. 


Nguyễn Cường


Top