Nghệ thuật uống trà của Việt Nam
Chẳng cần tinh xảo chăm chút như những đầu cột khung cửa, mà cũng không đến mức quá thâm u hoài niệm hay rực rỡ sắc màu trang trí lòe loẹt. Một bàn thấp, ghế nhẹ, cửa rộng, trần cao, ánh sáng ít mà chắt lọc, và không thể thiếu ánh sáng tự nhiên, gió tự nhiên, nắng tự nhiên. Nếu trời trở lạnh, đêm ùa tới, thì những ngọn đèn lồng, ánh sáng vàng cũng đủ sức làm tăng phần ấm áp. Từ một góc thưởng trà Việt giản dị, có thể thấy yếu tố phong thủy trong không gian Việt thiên về sự thiết thực, thân thiện, khác hẳn với các bài trí xa hoa. Giao hòa Thiên - Địa - Nhân, đó là đích đến của nghệ thuật bài trí không gian uống trà hợp trời đất, hợp lòng người.
1. Không gian uống trà Việt Nam
Người Việt Nam với bản chất linh hoạt nên không gian uống trà đa dạng hơn so với Nhật Bản. Mọi người có thể uống chè tươi ở mọi nơi như bến xe, bến tàu, bến đò, cổng đình chùa, chợ, cổng nhà máy, nhà ga. Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam không có những không gian thưởng thức trà sang trọng và cầu kỳ.
Người Việt Nam thường mời khách về nhà riêng để thưởng thức trà, thể hiện sự mến khách và gần gũi, dễ hàn huyên, tâm sự. Chú trọng không gian thanh tịnh, đạt đến cung cách giản dị, sự thanh khiết. Khác với Nhật Bản, không gian thưởng thức trà của Việt Nam lại hướng đến sự gần gũi giản dị, tinh tế và lược bỏ tối đa cái rườm rà. Người Việt uống trà không cầu kỳ vào ra trà thất, một ấm trà pha sớm mùa đông, một chén trà được sư thầy mời bên hiên chùa, tách trà qua hàng xóm giao đãi thân tình, đơn giản nhưng khá đủ đầy làm nên nét đẹp văn hóa, xem trọng các mối quan hệ giao hòa với tự nhiên và con người. Tùy theo từng gia đình, cấu trúc cụ thể mà vị trí góc thưởng trà có thể cố định hoặc không. Mưa thuận gió hòa thì ngồi bên hiên, trong sân, nơi giếng trời có mái che, chòi nghỉ nhẹ, ung dung thoải mái. Còn khi mưa tạt gió hắt, oi bức khó chịu thì lùi vào bên trong, cạnh bàn thờ gia tiên, kết hợp bàn ăn gia đình hay bàn tiếp khách là vị trí lý tưởng để thưởng trà. Chính tính linh hoạt này khiến góc thưởng trà Việt Nam không cố định hình thức, không bị đóng khung trong trà thất, đồng thời tạo ra một không gian mang tính nghỉ ngơi có kèm theo ẩm thực. Tiêu chí phong thủy cơ bản nhất là cần gắn kết góc thưởng trà với một khoảng thiên nhiên (nhìn ra sân vườn, hồ cảnh) hoặc nhân tạo (tranh ảnh, tủ trưng bày...), mang tính Thổ trung hòa là chính. Một số gia đình kết hợp nơi trà đàm với phòng sinh hoạt chung hoặc phòng khách, nhà khác lại sử dụng hàng hiên hoặc sân trong, thậm chí có khi là một khoảng ban công hay hành lang nối giữa các phòng. Dù bố trí tại đâu, không gian trà đàm cũng cần giữ tính trung dung vừa phải, đơn giản là tốt nhất.
Có 3 đặc tính không gian trà Việt phổ biến, đó là:
- Không gian mở: mở của lòng người và mở của cung cách đón tiếp, tức là có thể tùy nghi thay đổi đem lại cấu trúc linh hoạt theo tinh thần kiến trúc hiện đại: vật liệu xanh, tiết kiệm và thuần chất.
- Không gian tĩnh: uống trà không thể ồn ào, chẳng cần trà thất thâm nghiêm, nhưng phải giữ được chút lặng lẽ, tinh sạch cho tâm hồn.
- Không gian mộc mạc: với những vật liệu thân thiện như tre - gỗ - gạch - gốm thì vẫn đủ độ ấm nồng hơn rất nhiều những chất liệu hiện đại mà lạnh. Chẳng cần tinh xảo chăm chút như những đầu cột khung cửa, mà cũng không đến mức quá thâm u hoài niệm hay rực rỡ sắc màu trang trí lòe loẹt. Một bàn thấp, ghế nhẹ, cửa rộng, trần cao, ánh sáng ít mà chắt lọc, và không thể thiếu ánh sáng tự nhiên, gió tự nhiên, nắng tự nhiên. Nếu trời trở lạnh, đêm ùa tới, thì những ngọn đèn lồng, ánh sáng vàng cũng đủ sức làm tăng phần ấm áp. Từ một góc thưởng trà Việt giản dị, có thể thấy yếu tố phong thủy trong không gian Việt thiên về sự thiết thực, thân thiện, khác hẳn với các bài trí xa hoa. Giao hòa Thiên - Địa - Nhân, đó là đích đến của nghệ thuật bài trí không gian uống trà hợp trời đất, hợp lòng người.
2. Trà cụ
Trà cụ hay công cụ để pha trà cũng rất cầu kỳ. Tương truyền từ thời xưa, đã là dân nghiền trà phải có hai ấm đồng, bên trong có đủ năm kim hỏa thì nước mới mau sôi, hai ấm thay nhau giữ nước sôi trên lò đốt bằng than hoa hoặc than tàu. Ấm pha trà phải là ấm đất được làm từ thứ đất sét đỏ như chu sa, vừa nhỏ xinh cho đủ một tuần trà. "Thứ nhất Thế Ðức gan gà, thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần".
Mua được thứ ấm ưng ý cũng là cả một nghệ thuật. Thả úp ấm vào chậu nước thấy nổi đều, cân nhau là được. Ấm mua về không thể dùng ngay bởi còn vương hơi đất và lửa, phải đun sôi qua nước tinh khiết nhiều lần. Bôi (chén) thường dùng chén cỡ hột mít (hay mắt trâu). Bình (hay ấm) thì có bình chuyên và bình tống. Nghệ thuật thưởng trà Việt thấy rất rõ trong sự độc đáo của các bát/bình trà: thời Bắc thuộc là màu xanh bích ngọc (còn tới thế kỉ XV); đời Lý-Trần là các bát có màu bã trà sau khi dùng xong - mang thần thái đặc thù Đại Việt.
Ấm tử sa pha trà
3. Cách thức pha trà
Ðể có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm ấm lên bằng nước sôi. Ðiều này có dụng ý là giữ cho nước trong bình pha luôn luôn có độ nóng cao nhất. Trà khô bỏ vào bình loại đất nung nhỏ cao cỡ 1/3 bình.
Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Nước pha trà ngon nhất là nước đầu nguồn suối, nhì là nước sông và thứ ba là nước giếng khơi. Khi châm nước lần một gọi là Cao sơn trường thủy, dùng vòi nước sôi mắt cua dội từ trên cao xuống nhằm tạo ra một lực làm tan bụi bẩn trong trà. Người ta châm một ít nước sôi vào bình trà rồi chắt ngay ra, đổ đi nước đầu này để loại hết bụi bẩn trong trà và trà khô trong bình kịp thấm không nổi lềnh bềnh nữa. Trà nước hai là lần đổ nước thứ hai vào ấm hạ sơn nhập thủy, đổ nước cao tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bọt bẩn trào ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp, cũng nhằm giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai chính là nước trà chuẩn nhất được tạo ra trong vòng 60-90 giây này thực sự tạo ra mùi vị thơm tho tuyệt diệu từ các cánh trà
4. Cách thức uống trà
Trà là đồ uống của người dân thích cuộc sống ổn định, an nhàn, bình thản. Con người Việt Nam với lối tư duy tổng hợp trong tinh thần văn hóa truyền thống mang đặc tính trọng tình, trọng đức, trọng văn, và đời sống cộng đồng cao. Cho nên trong nghệ thuật uống trà, thưởng thức trà, người Việt Nam uyển chuyển, không quá cầu kỳ, nhưng cũng không quá đơn giản: không quá nghi lễ, nhưng cũng không quá bình dân. Đó là một sự thông thái, kết hợp uyển chuyển để đi đến hoàn hảo, đến trung dung trong nghệ thuật thưởng thức trà.
Khi dùng trà, phải rót sao cho các chén trà đều có nồng độ như nhau bằng cách kê khít các miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng đều các chén. Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra chén Tướng (thường gọi chệch đi là chén Tống) rồi chia đều ra các chén quân. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hơi mất thời gian.
Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén gọi là Tam long giá ngọc, người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống đưa chén sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải (du sơn lâm thủy). Cầm chén uống trà phải quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng hớp một hớp nhỏ - tay áo các quan lại phong kiến thường rất rộng cũng một phần vì lẽ dùng che miệng khi uống trà là vậy.
Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt nước bọt tiếp lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận.
Uống trà truyền thống của Việt Nam có 2 cách: uống chè tươi và uống chè khô. Uống chè tươi là cách uống của người dân lao động nông thôn, thành thị mang tính cộng đồng văn hóa làng xã Việt Nam của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á, khác hẳn cách uống trà tàu độc ẩm, quần ẩm của nền văn minh nông nghiệp cạn và du mục Hoàng Hà người Hán. Giao lưu tình cảm mộc mạc bình dân, không đòi hỏi nghi thức tinh tế, long trọng hay biểu diễn nghệ thuật điêu luyện cao siêu, như uống trà tàu Trung Hoa hay Trà đạo Nhật Bản. Người ta pha chè, uống chè, ăn khoai luộc, hút thuốc lào, mời cả làng đến cùng thưởng thức (hiện nay ở vùng Nghệ An người ta vẫn còn giữ được nét đó). Uống chè khô được sử dụng phổ biến hơn, do để được lâu hơn.
Ngoài các cách uống trà từ đơn giản đến cầu kỳ trong các gia đình, người Việt Nam xưa có các hình thức hội trà. Ðó là uống trà thưởng hoa xuân, uống trà thưởng hoa quý và uống trà ngũ hương. Hội trà là hình thức tụ họp cùng thưởng trà khi có trà ngon hay dịp đặc biệt, thường là của những người sành trà hay người cao tuổi. Thưởng trà đầu xuân là thói quen của riêng các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa kia.
Trước Tết Nguyên đán, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, cúc, mai trắng, thủy tiên và chuẩn bị loại trà ngon nhất. Sáng mồng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa thưởng trà, sau đó mới là cả đại gia đình cùng ngồi quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe lời dặn dò. Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà cũng là cái thú của nhiều người ở nông thôn Việt Nam. Ðó cũng là hình thức hội trà quanh chậu hoa quý vào tối hoa mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự và dặn dò lớp con cháu.
Trà ngũ hương chỉ giới hạn cho năm người. Khay uống trà ngũ hương thửa năm chỗ trũng, để năm loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu. Úp chén kín hoa, bưng khay để lên nồi nước sôi cho hương hoa bắt đầu bám vào lòng chén. Pha trà mạn ngon và rót đều vào từng chén, mỗi người tham gia sẽ phải đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét. Sau mỗi chén trà, người chủ trà lại hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức hết cái tinh túy của năm loại hoa. Cách uống trà ngũ hương và uống trà ngắm hoa xuân chỉ có ở người Hà Nội. Nhưng uống trà ở nông thôn hay thành phố cũng tồn tại các hình thức chung là quần ẩm - ba người trở lên cùng uống, đối ẩm - hai người uống với nhau và độc ẩm - một người. Nghệ thuật uống trà của người Việt đã được gói lại trong câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
Theo Phạm Tấn Thiên, Nghệ thuật uống trà của Việt Nam và Trà đạo Nhật Bản, Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, số 7 (80) - 2014